Thời gian gần đây hàng loạt các bài báo viết về sự cố thang máy như: sự cố về điện của thang máy hay thang máy chung cư liên tiếp rơi tự do…Vậy nguyên nhân nào đã khiến cho những chiếc
thang máy không an toàn như vậy vẫn tồn tại, trong khi mức độ nguy hiểm cho người sử dụng thì ai cũng biết.
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều thang máy hư hỏng là do người sử dụng không dùng đúng cách. Ngoài ra khâu kiểm tra và nghiệm thu cũng có nhiều vấn đề, ông Lê Văn Thịnh, Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ xây dựng nhận định.
Ai kiểm tra chất lượng thang máy?
Chất lượng của một công trình xây dựng gồm nhiều yếu tố: chất lượng phần chịu lực của ngôi nhà, gồm: móng, các cột chịu lực, tường chịu lực,…những nhân tố này sẽ quyết định sự bền vững của tòa nhà, có bị sụt, lún, nghiêng hay không? Trần nhà cũng phải phẳng, đặc biệt là không để xảy ra tình trạng rơi những mảng vữa xuống như một số trường hợp báo chí phản ánh xảy ra gần đây.
Chất lượng các trang thiết bị ở trong nhà như: hệ thống cửa ra vào, mạng lưới điện nước, thang máy…. Chất lượng trang thiết bị tốt hay không tốt trước tiên phụ thuộc vào chất lượng bản thân trang thiết bị đó, nhưng cũng phụ thuộc vào chất lượng của công tác lắp đặt trang thiết bị. Có những trường hợp trang thiết bị tốt nhưng lắp đặt ẩu thì cũng không thể an toàn được.
Đối với thang máy, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, đây là thiết bị rất quan trọng vì nó được sử dụng để chịu lực với số lượng người lớn và tần suất cao
Trên thế giới, thang máy cũng đã từng rơi ở nhiều nước, nhất là tại các trường đại học. Theo quy trình, tại một số nước, có một bộ phận của chính quyền thường xuyên đi kiểm tra chất lượng của thang máy. Thang máy lắp đặt xong, trước khi đi vào sử dụng phải có sự xác nhận của lực lượng chuyên môn này.
“Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo như tôi thấy thì chưa có cơ quan nào kiểm tra chất lượng của thang máy. Thậm chí, có những cái đã lắp gần chục năm rồi, nhưng cũng chưa chắc đã có kiểm tra”, ông Liêm nhấn mạnh. Nếu như công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), cảnh sát PCCC sẽ đến nghiệm thu xem thiết bị có đủ không, định kỳ sẽ kiểm tra lại xem các bình này còn hoạt động không, thì thang máy lại chưa rõ cơ quan nào sẽ kiểm tra.
Lâu nay, ở Việt Nam, người ta chưa quan tâm đến an toàn thang máy vì cho rằng mới lắp đặt, nhưng qua một thời gian sử dụng, dây cáp cũng sẽ dão đi, các thiết bị khác cũng có thể hư hỏng. Và khi đó, rất có thể nguy hiểm với người sử dụng. Theo ông Liêm, Bộ Xây dựng là cơ quản lý Nhà nước, chứ không phải cơ quan quản lý kỹ thuật. Nhưng cơ quan quản lý Nhà nước thì phải đưa ra quy định về cơ quan kiểm tra. Đối với các công trình bất động sản, Bộ Xây dựng phải nhanh chóng đưa ra một thông tư, sau đó bổ sung thành 1 nghị định về kiểm tra an tòan thang máy trước khi đi vào sử dụng.
Về mặt kỹ thuật, hiện Bộ Xây dựng đã có ban hành đầy đủ các văn bản quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng kiểm tra như thế nào, ai đứng ra kiểm tra, nếu thấy thiếu sót, ai xử lý thì lại chưa có quy định trách nhiệm cụ thể. “Việc kiểm tra hiện chưa thực sự sát sao. Bộ Xây dựng phải rõ ràng, không được quy định trách nhiệm chung chung. Những sự cố thang máy xảy ra trong thời gian qua là hồi chuông cảnh báo để chúng ta phải quan tâm hơn đến vấn đề hoàn thiện chất lượng của các công trình chung cư”, ông Liêm nhấn mạnh.
Thang máy hỏng, lỗi do…người sử dụng!
Đối với chất lượng các thang máy hiện nay, ông Lê Văn Thịnh, Trưởng Phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhiều thang máy hư hỏng là do người sử dụng không dùng đúng cách.Theo luật xây dựng, thang máy là một thiết bị công trình. Thiết bị này trước khi đưa vào công trình phải được kiểm tra kỹ lưỡng. Nếu thiết bị đó được nhập khẩu thì phải có chứng chỉ xuất xứ (CO) và chứng chỉ chất lượng (CQ), để đảm bảo nhà sản xuất đã sản xuất theo đúng đơn đặt hàng, đúng tiêu chuẩn, đúng chỉ dẫn kỹ thuật.
Chủ đầu tư khi mua thiết bị, nếu không tin tưởng sẽ phải thuê một đơn vị tư vấn độc lập kiểm định trước khi nhập khẩu về Việt Nam. Cần lưu ý, việc kiểm tra ở các cảng hiện nay thực chất là kiểm tra mang tính thông quan, chứ không phải là kiểm tra chất lượng. Kiểm tra thông quan, tức là kiểm tra xem hàng hóa có nguyên đai nguyên kiện không, số lượng bao nhiêu chiếc, chất lượng mới hay cũ. Việc kết luận 3 chỉ số đó không nói lên chất lượng của sản phẩm được.
Do đó, phải có tổ chức chuyên môn đứng ra xem có đảm bảo chất lượng không. Hiện nay, việc làm này đang được giao cho các trung tâm kiểm định an toàn chất lượng. Các trung tâm này sẽ kiểm tra từ khâu thiết bị đến khâu lắp đặt. Sau khi lắp đặt xong sẽ thử không tải, thử có tải, kiểm định an toàn đến làm thí nghiệm, rồi mới kết luận có an toàn không.
Hiện nay, hầu hết các chung cư, chủ đầu tư đều thuê các trung tâm kiểm định làm. Nhưng vấn đề ở chỗ, thang máy mới lắp đặt có thể đảm bảo chất lượng, nhưng nếu người sử dụng không dùng đúng cách thì sẽ rất dễ hư hỏng.
Thực tế có thể thấy, thang máy tại các tòa nhà thường được dán giấy chứng chỉ giám định chất lượng an toàn lao động vào trước khi đưa vào sử dụng. “Tôi được chứng kiến ở nhiều nơi, người ta cho con vào thang máy ăn bột, rồi ấn nút cho chạy lên chạy xuống liên tục để làm trò dỗ dành trẻ, thì không thang máy nào chịu được. Vì vậy, có những chung cư phải thuê người đứng ở thang may gia dinh chỉ để bấm lên bấm xuống, là vì sợ người ta phá thang máy”, ông Thịnh nói.
Về vai trò quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, ông Thịnh cho rằng, Bộ Xây dựng chỉ đưa ra văn bản điều tiết quan hệ thôi, chứ không thể đi kiểm tra cụ thể từng cái thang được. Các văn bản này đều quy định rất rõ ràng, chặt chẽ về các quy chuẩn an toàn như: an toàn chịu lực, an toàn cháy nổ,…
“Như tôi vẫn nói, vấn đề chính và yếu vẫn nằm ở khâu “con người”. Ngoài người sử dụng thì khâu kiểm tra và nghiệm thu cũng có vấn đề. Ai kiểm tra, người thực hiện trình độ đến đâu và kết quả nghiệm thu ra sao, cũng là câu hỏi cần được giải đáp”, ông Thịnh nhấn mạnh.
(Theo Kiemdinh JSC)