Một trong những nguyên nhân gây ra những sự cố không mong đợi về thang máy, gây ra thiệt hại nghiêm trọng, …, là do thang máy không được kiểm đinh. Bạn có biết rằng kiểm định lần đầu tiên trước khi thang máy được đưa vào kiểm định và kiểm định định kỳ với từng loại thang máy không chỉ là khuyến cáo cho người sử dụng mà còn là quy định của pháp luật?
Để kiểm soát được thứ thiết bị có tầm quan trọng lớn đến tính mạng của chính chúng ta và những người xung quanh, hãy cùng Tạp chí thang máy trang bị thêm kiến thức về Kiểm định thang máy!.
Tại sao phải kiểm định thang máy?
Theo thông tư 32/2011/ TT-BLĐTBXH ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thang máy được đưa vào danh mục các loại thiết bị, máy móc, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, bắt buộc phải kiểm định để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.
Nghị định số 95/2013NĐ-CP ban hành ngày 22 tháng 08 năm 2013 quy định xử phạt đối với các trường hợp chủ sở hữu thang máy không thực hiện kiểm định, phải đối mặt với các mức phạt: Từ 1 triệu đến 3 triệu, từ 3 triệu đến 5 triệu, cao nhất từ 50 triệu đến 70 triệu nếu cố tình đưa thang máy không đủ điều kiện an toàn vào sử dụng.
Kiểm định thang máy có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc bảo đảm an toàn, tính mạng cho con người. Mọi gia đình, cơ quan, đơn vị… đều cần tiến hành kiểm định thang máy định kỳ, giúp thang máy luôn hoạt động trong tình trang tốt nhất, kiểm soát mọi rủi ro có thể xảy ra.
Căn cứ vào đâu để kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy?
Kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy dựa trên các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn lao động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Ví dụ:
Quy chuẩn cho thang máy điện là: TCVN 6395:2008, Thang máy điện – Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt
Quy chuẩn cho thang máy thủy lực là: TCVN 6396-2:2009 (EN 81-2:1998), Thang máy thủy lực – Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt.
Quy chuẩn cho thang cuốn và thang chở người là: TCVN 6397:1998 Thang cuốn và băng chở người – Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt.
– Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy do Cục An toàn lao động chủ trì biên soạn và được ban hành kèm theo Thông tư số 54/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Với mỗi loại thang máy khác nhau lại có một quy trình kiểm định khác nhau. Chẳng hạn, quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn của thang máy thủy lực theo văn bản: QTKĐ:22-2016/BLĐTBXH; thang máy điện có phòng máy theo văn bản: QTKĐ:21-2016/BLĐTBXH; thang máy điện không phòng máy theo văn bản: QTKĐ:24-2016/BLĐTBXH…
Đơn vị nào được phép kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy?
Đó là các đơn vị được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn. Ví dụ:
– Các đơn vị được Cục An Toàn Lao Động, Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội cấp phép: Trung tâm Kiểm định KTAT khu vực I; trung tâm Kiểm định KTAT khu vực II; công ty CP Kiểm định kỹ thuật, an toàn và TVXD; trung tâm kiểm định CN I; trung tâm Kiểm định và huấn luyện KTATLĐ TP. HCM; công ty TNHH Một thành viên Kiểm định kỹ thuật an toàn Dầu khí Việt Nam; công ty TNHH MTV Kiểm định kỹ thuật an toàn Việt Nam; trung tâm kiểm định KTAT khu vực III; trung tâm kiểm định KTAT máy, thiết bị NN; công ty TNHH Kiểm định 6; trung tâm kiểm định Công nghiệp II; trung tâm Kiểm định KTAT Hà Nội; công ty CP Kiểm định an toàn 3.
– Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật an toàn Quân đội trực thuộc Bộ Quốc Phòng.
– Trung tâm Kiểm định công nghiệp I; Trung tâm Kiểm định công nghiệp II; Trung tâm Kiểm định công nghiệp III của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương.
Khi nào bạn phải tiến hành kiểm định thang máy ?
Cần thực hiện kiểm định thang máy vào những thời điểm sau:
Kiểm định thang máy lần đầu: bắt buộc phải tiến hành kiểm định thang máy khi vừa hoàn thành việc lắp đặt để đánh giá chính xác về chất lượng thiết bị và chất lượng lắp đặt thang máy, đảm bảo thang máy điều kiện tốt nhất, an toàn nhất để đưa vào sử dụng.
Kiểm định thang máy định kỳ: Thang máy đã đăng ký được cấp phép sử dụng phải được kiểm định định kỳ. Nếu thang máy đã sử dụng trong một thời gian dài, hệ thống và các bộ phận có sự xuống cấp nghiêm trọng thì công tác kiểm định càng quan trọng để đánh giá chính xác về tình trạng vận hành của thiết bị, từ đó có phương án xử lý, khắc phục hiệu quả nhất.
Thời hạn kiểm định định kỳ thang máy là 03 năm. Đối với thang máy đã sử dụng trên 10 năm hoặc thang máy làm việc trong các điều kiện môi trường ăn mòn, tần suất làm việc cao, thời hạn kiểm định định kỳ là 02 năm. Đối với thang máy đã sử dụng trên 20 năm thời hạn kiểm định định kỳ là 01 năm. Thời hạn kiểm định có thể được rút ngắn trong trường hợp nhà chế tạo hoặc cơ sở yêu cầu.
Kiểm định thang máy khi có dấu hiệu bất thường: công việc này sẽ được thực hiện nếu trong quá trình sử dụng có một số vấn đề về kỹ thuật xảy ra, gây ra tình trạng mất an toàn, không đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động. Đơn vị kiểm định sẽ tiến hành đánh giá tình trạng, đưa ra phương án khắc phục trong thời gian ngắn nhất theo tiêu chuẩn đã được quy định.
Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy gồm những bước nào?
– Kiểm tra hồ sơ, lý lịch thiết bị;
– Kiểm tra kỹ thuật bên ngoài;
– Kiểm tra kỹ thuật – thử không tải;
– Các chế độ thử tải – Phương pháp thử;
– Xử lý kết quả kiểm định.
Trình tự kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy
Bước 1: Kiểm tra kỹ thuật bên ngoài
Gồm có kiểm tra tính đầy đủ và đồng bộ của thang máy; sự chính xác giữa hồ sơ của nhà chế tạo, lắp đặt so với thực tế (về các thông số, chỉ tiêu kỹ thuật, nhãn hiệu); các khuyết tật, biến dạng của các bộ phận, cụm máy nếu có.
Bước 2: Kiểm tra kỹ thuật- thử không tải
Gồm có kiểm tra buồng máy và các thiết bị trong buồng máy; kiểm tra cabin và các thiết bị trong cabin; kiểm tra trên đỉnh cabin và các thiết bị liên quan; kiểm tra giếng thang; các cửa tầng; đáy hố thang; các cơ cấu truyền động, phanh điện và máy kéo; kiểm tra thử không tải bằng cách cho thang máy hoạt động, cabin lên xuống 3 chu kỳ xem có hiện tượng bất thường nào ở các bộ phận không.
Bước 3: Thử tải động
Ở bước này các kỹ thuật viên thử tải động ở các chế độ 100% tải định mức, 125% tải định mức, kiểm tra thiết bị hạn chế quá tải, kiểm tra sức chịu tải của hệ thống phanh điện từ; thiết bị báo động cứu hộ. Bằng cách giả định trường hợp mất điện đột ngột, các kỹ thuật viên thử nghiệm hoạt động của hệ thống cứu hộ tự động, hệ thống đèn chiếu sáng khẩn cấp, intercom liên lạc, chuông cứu hộ.
Bước 4: Xử lý kết quả kiểm định
Sau quá trình kiểm định, các kiểm định viên sẽ đưa ra kết luận: Thang máy có đạt yêu cầu kỹ thuật an toàn hay không. Nếu đạt sẽ được dán tem kiểm định và cấp giấy chứng nhận kết quả để đưa thang máy vào sử dụng. Công tác nghiệm thu kỹ thuật thang máy sau lắp đặt phải được thực hiện nghiêm túc và chuẩn xác.
Công tác kiểm định an toàn thang máy hiện nay còn hạn chế
Không thể không hoài nghi về chất lượng thang máy đang được cung cấp trên thị trường hiện nay và đặt dấu hỏi về công tác kiểm tra, kiểm định an toàn chất lượng thiết bị này. Chẳng hạn, một số đơn vị cung cấp thang máy nhập khẩu vì lợi nhuận đã lắp ráp linh kiện khác nhau thay vì nhập thang đồng bộ chính hãng. Thiết bị không đồng bộ thì đương nhiên nguy cơ trục trặc kỹ thuật sẽ cao hơn. Một số công ty khác còn “ăn bớt” hệ thống an toàn đối với các thang máy nhập khẩu nguyên chiếc nhằm giảm bớt thao tác vận hành, vừa giảm chi phí vừa dễ bán… Họ sẽ móc nối với đơn vị kiểm định để qua mặt người tiêu dùng. Hai bên đều có lợi, kết quả chỉ có người dùng thang đón nhận rủi ro. Một số tai nạn đáng tiếc đã xảy ra như: cửa tầng mở mà không có cabin, cửa thang máy kéo ngược chân khách…
Một cán bộ tại một trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn ở Tp.HCM cho biết, ngoài nguyên nhân kiểm định không khách quan, công tác kiểm định, thẩm định sự an toàn của thang máy cũng chưa chặt chẽ. Hiện nay, nhiều chủ đầu tư sử dụng thang máy gần chục năm vẫn chưa một lần được cơ quan có thẩm quyền kiểm định “hỏi thăm”.
Đặc biệt, ở các khu chung cư, có một thực trạng là các bên quản lý và bên cung cấp thang máy rất hời hợt với việc bảo trì bảo dưỡng thang máy dù thiết bị có tần suất sử dụng liên tục. Đa số các chủ đầu tư khi xây dựng chung cư sẽ thuê nhà thầu lắp đặt thang máy và tiến hành kiểm định an toàn thang máy. Tuy nhiên, sau khi chung cư đi vào hoạt động thì chủ đầu tư sẽ chuyển giao để ban quản lý chung cư tự xử lí công tác bảo trì, bảo dưỡng và kiểm định với đơn vị lắp đặt thang máy hoặc thuê đơn vị khác có cùng chức năng. Việc bảo trì và kiểm định không định kỳ là nguyên nhân lớn gây nên các sự cố thang máy.
Tính tin cậy của những đơn vị kiểm định thang máy cũng là một bất cập không nhỏ. Hiện nay, có nhiều đơn vị kiểm định thiếu chuyên nghiệp, không đủ nguồn nhân lực, vật lực vẫn hoạt động, được quyền kiểm định. Do đó, Tạp chí Thang máy khuyến cáo bạn lựa chọn đơn vị kiểm định có uy tín, được Nhà nước cấp phép, đảm bảo về năng lực và có hệ thống máy móc kiểm định hiện đại. Ngoài ra, để có một kết quả kiểm định khách quan, đơn vị đó cũng phải độc lập, không móc nối ăn chia với công ty lắp đặt thang máy cho bạn.
Trên đây là những vấn đề cần lưu ý về kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy. Hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn.
(Sưu tầm)